Khẳng định vài trò của chăn nuôi nông hộ với ngành chăn nuôi, song Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, khu vực này phải chuyển đổi phù hợp với xu thế mới.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT (sau đây gọi tắt là Quyết định 50) diễn ra ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nông nghiệp và chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm vị trí chưa thế thay thế với ngành chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, tuyệt đại đa số các tỉnh, thành đã triển khai đề án cho thấy đây là chính sách đúng, trúng, sức lan tỏa rất lớn.
Kết quả đầu tiên đạt được là con giống khi hình thành được hệ thống giống vật nuôi bài bản như hiện nay. Trong chăn nuôi, giống quyết định năng suất, chất lượng và hiện trên 80% giống lợn của Việt Nam là lợn ngoại; Giống gà lông màu đạt sản lượng 400 triệu con với sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ hay trong lĩnh vực bò sữa, việc Tập đoàn TH nuôi bò thành công tại vùng đất gió Lào Nghệ An, năng suất 7- 8 tấn có công rất lớn từ giống và khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với tỉ lệ trên 50%, tương lai chăn nuôi nông hộ vẫn là xung lực quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Tạo công ăn việc làm ổn định khu vực nông thôn, giữ vững ổn định kinh tế, chính trị cho đất nước.
Tuy nhiên, chăn nuôi nôn hộ giai đoạn tới theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cần có sự thay đổi phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Đó là liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết thành hợp tác xã kiểu mới, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nhiệp tuần hoàn theo hướng bền vững, đặc biệt phải truy suất được nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi nông hộ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi số và khoa học công nghệ để hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
“Chăn nuôi nông hộ giai đoạn tới cần phải sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa. Chăn nuôi nông hộ nên hướng đến các sản phẩm đặc bản, bản địa theo hướng bền vững, hiệu quả cao. Cần phân loại thành 3 trục sản phẩm chăn nuôi, bao gồm quốc gia, vùng và OCOP. Những sản phẩm năng suất cao quy hoạch sản phẩm quốc gia. Sản phẩm con lai định hướng phát triển vùng và đặc sản, đặc hữu để xây dựng sản phẩm OCOP với chỉ dẫn địa lí, quy trình đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ cũng cần phải đảm bảo yếu tố môi trường” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến định hướng.
Kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục trình Chính phủ duy trì chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, chăn nuôi nông hộ đóng góp rất lớn vào thành quả giúp ngành chăn nuôi Thủ đô đứng đầu cả nước về quy mô và tổng đàn. Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng, để dùy trì và phát triển tốt chăn nuôi nông hộ, ngoài phát triển theo chuỗi khéo kín cần duy trì tốt hệ thống thu y cơ sở. Bởi với tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày một phức tạp như hiện nay, không có hệ thống này theo ông Đăng rất khó để kiểm soát kịp thời dịch bệnh.
Theo Cục Chăn nuôi, sau 6 năm triển khai Quyết định 50 hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, cả 63 tỉnh, thành đã xây dựng và ban hành hướng dân triển khai quyết định theo hướng triển khai riêng hoặc lồng ghép. Trong đó, có 48/63 tỉnh, thành (chiếm 76,1%) ban hành các văn bản hướng dẫn riêng để triển khai đề án.
Tổng kinh phí hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ toàn quốc đạt trên 832 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho lợn hơn 218 tỷ đồng, cho trâu 258 tỷ đồng, mua con giống gia súc gia cầm 25 tỷ đồng, xử lí chất thải 159 tỷ đồng, đệm lót sinh học 17 tỷ đồng và hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên trên 6 tỷ đồng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam